Công việc thú y xã phải xuống các bản để tiêm phòng vắc-xin cho trâu, bò, lợn. Lúc chưa có vắc-xin tiêm phòng, gia súc toàn bị chết bệnh nhiều. Khi vào chuồng nuôi thì phải phun khử trùng. Lợn, trâu, bò thì tiêm vắc-xin lở mồm long móng. Đối với lợn thì tiêm vắc-xin dịch tả nữa. Với trâu bò thì có vắc-xin tụ huyết trùng, viêm da nổi cục. Vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng thì mấy năm nay được Nhà nước hỗ trợ, viêm da nổi cục phải tự nguyện đăng ký tiêm phòng. Công tiêm mỗi lần được 4.600 đồng/mũi lở mồm long móng, tụ huyết trùng, tiêm viêm da nổi cục được 4.800 đồng/mũi. Cán bộ thú y là cán bộ không chuyên trách, phụ cấp được triệu bạc một tháng mà quá vất vả. Kỳ dịch, có ngày đêm chẳng được nghỉ.

Sau khi đi tiêm về mình phải ghi chép lại số hộ có tổng đàn bao nhiêu, tiêm bao nhiêu để lúc trâu, bò bị bệnh nắm được hộ nào tiêm con nào. Con nào tiêm rồi bị bệnh tiêu hủy thì Nhà nước hỗ trợ 50%. Những hộ không tiêm lúc bị bệnh hộ đó phải tự tiêu hủy. Khi tiêm những bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng thì phải mang dụng cụ bảo hộ. Lúc tiêu hủy cũng bắt buộc phải đem dụng cụ bảo hộ.

Hiện bà con chưa hiểu biết về tình hình dịch bệnh sẽ xảy ra, có người để con vật ốm rồi mới tiêm. Đường xá đi lại khó khăn, trên vùng sâu vùng xa chưa có điện và tủ lạnh để bảo quản vắc-xin. Trâu, bò các hộ vẫn còn thả rông, đi đuổi về tiêm cũng khó.

Lên vùng cao toàn phải lên nương của họ để tìm con trâu con bò của họ để tiêm, mà họ bảo “Con bò có bị làm sao đâu mà tiêm. Các anh, các chị tiêm mà trâu, bò chết thì anh, chị có đền cho không”.

Người kể chuyện: Lò Văn Cươi (Thái, 40 tuổi), Lường Thị Thu (Thái, 37 tuổi)

Người chụp ảnh:  Lò Thị Ánh Tuyết (Thái, 14 tuổi)

Người trong ảnh: Lò Văn Cươi (Thái)