Giới thiệu chung về triển lãm
Nằm ở khu vực Đông Nam Á, cái nôi của nền văn minh lúa nước, Việt Nam có một nền nông nghiệp lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa của con người.
Ngành nông nghiệp của Việt Nam đóng góp 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó ngành chăn nuôi đóng góp 30% giá trị của ngành nông nghiệp. Ngành chăn nuôi góp phần không nhỏ trong việc tạo sinh kế cho các nông hộ nhỏ, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện chế độ dinh dưỡng và góp phần thu hẹp khoảng cách giới.
Dự án can thiệp dựa vào chăn nuôi hướng tới sinh kế bình đẳng và cải thiện môi trường ở vùng cao Tây Bắc (gọi tắt là Li-chăn, trong tiếng dân tộc Thái có nghĩa là tốt đẹp) tổ chức triển lãm trực tuyến về chủ đề Chăn nuôi Việt Nam dưới góc nhìn nghệ thuật và góc nhìn của nông dân, với mục đích nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của ngành chăn nuôi nước nhà trong việc cải thiện sinh kế và hỗ trợ các nông hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong việc hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Triển lãm do dự án Li-chăn đồng phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và nghệ thuật tại Việt Nam, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Triển lãm giới thiệu tới công chúng những tác phẩm nghệ thuật thuộc nhiều thể loại khác nhau do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện trong giai đoạn từ những năm 1900 đến những năm 2000, và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng. Theo kế hoạch, dự án Li-chăn và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam dự kiến tổ chức một triển lãm tranh lưu động tại tỉnh Sơn La vào cuối năm 2021, để đưa những tác phẩm này đến với công chúng ở tỉnh Sơn La, nơi dự án Li-chăn đang được triển khai. Kế hoạch tổ chức sẽ tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh COVID-19.
Triển lãm bao gồm ba phần. Phần thứ nhất, Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật, giới thiệu tới công chúng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng về chất liệu và chủ đề, liên quan đến những hoạt động nông nghiệp chăn nuôi, hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. (dự kiến sẽ ra mắt trên website vào giữa tháng 10)
Phần thứ hai, Chăn nuôi dưới góc nhìn của nông dân, triển lãm những câu chuyện kể qua ảnh, do chính những nông dân tham gia dự án Li-chăn tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thực hiện. Đó là những câu chuyện người thực việc thực trong công tác phát triển chăn nuôi tại miền quê nghèo khó, từ khâu chọn giống, chăm sóc đàn vật nuôi, trồng cây thức ăn chăn nuôi, đến xử lý chất thải trong chăn nuôi bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu lợn bản. (dự kiến sẽ ra mắt vào trên website vào giữa tháng 10)
Phần thứ ba của triển lãm giới thiệu Chăn nuôi dưới góc nhìn của công chúng. Đây là những bức tranh đoạt giải trong cuộc thi vẽ và chụp ảnh về đề tài chăn nuôi dành cho các đối tượng nghiệp dư trên toàn quốc do Ban tổ chức phát động vào giữa tháng 9 năm 2021.
Ban tổ chức hy vọng triển lãm sẽ đem đến cho công chúng những câu chuyện nhẹ nhàng, gần gũi về các hoạt động chăn nuôi, qua đó giúp nâng cao nhận thức về ngành chăn nuôi nước nhà, cũng như tầm quan trọng của vấn đề phát triển bền vững trong chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.
Giới thiệu chung thông tin về các đơn vị tổ chức
Tọa lạc tại số 66 phố Nguyễn Thái Học, Quận Ba Đình, Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hoá nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng sở hữu bộ sưu tập các tác phẩm mỹ thuật đồ sộ lên đến hơn 20.000 hiện vật, thuộc mọi loại hình và chất liệu, từ sơn mài, sơn dầu, lụa, tranh giấy, cho đến điêu khắc đá, đồng… là minh chứng cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam từ thời Tiền – Sơ sử cho đến ngày nay. Hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng giới thiệu hơn 2.000 hiện vật, bao gồm 9 Bảo vật Quốc gia, mở cửa phục vụ đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Li-chăn là dự án tại Việt Nam, thuộc Chương trình nghiên cứu về Chăn nuôi của CGIAR. Các kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra giải pháp giúp tăng năng suất và tạo ra sinh kế bền vững cho các nông hộ và hộ kinh doanh nhỏ, hướng đến an ninh lương thực cho các thế hệ tương lai. Việt Nam là một trong bốn quốc gia trọng điểm trên thế giới được lựa chọn để thực hiện chương trình nghiên cứu này. Tổng hợp từ các kết quả nghiên cứu liên ngành, chúng tôi đã thử nghiệm, kết hợp một vài hoặc nhiều can thiệp khác nhau trong giai đoạn từ năm 2019 đến cuối năm 2021. Dự án này được các đối tác trong nước và quốc tế cùng hợp tác thiết kế. Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và CIAT (Alliance of Bioversity International and CIAT) và Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và là hai trung tâm trực thuộc CGIAR điều phối dự án tại Việt Nam