Đây là lợn nái nhà em, cũng là dòng lợn bản tại địa phương được bà con dân bản nuôi nhiều nhất từ trước tới nay. Đợt này đực giống ở địa phương khá ít và nguy cơ cận huyết cao vì lấy giống mẹ trong bản, nên không phối giống nhảy trực tiếp mà nhà em lấy tinh về tự phối nhân tạo. Trước nhà em cũng đã từng phối nhân tạo cho lợn nái sinh sản rồi. Đợt này khá thành công, vượt cạn ra tới 15 em nhưng chỉ được 12 em khỏe mạnh phát triển tốt. Lợn con sau khi từ bụng mẹ ra phải được lau lớp màng bọc sạch sẽ từ đầu mũi, miệng, tai đến chân để đảm bảo lợn con hô hấp được bình thường. Sau đó sẽ buộc rốn lại cắt rốn, tiếp nữa là phải cắt nanh tránh làm tổn thương vú mẹ khi lợn con bú. Những bước này phải làm nhanh gọn để lợn con có thể hô hấp tốt và được bú sữa đầu từ lợn mẹ. Lợn con được bú sữa đầu từ lợn mẹ rất quan trọng vì sữa đầu chứa nhiều dinh dưỡng có kháng thể tăng sức đề kháng làm cho hệ miễn dịch lợn con phát triển tốt nhất. Lợn mẹ sau sinh phải cho ăn thức ăn nhiều dinh dưỡng, sau sinh nhà em thường nấu cháo bột ngô cho thêm muối trộn thêm cám cho lợn mẹ ăn khi còn ấm.
Người kể chuyện: Lèo Thị Xiền (Thái, 31 tuổi)
Người chụp ảnh: Hà Văn Chung (Thái, 35 tuổi)
Người trong ảnh: Lèo Thị Xiền