Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật

Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật, một mệnh đề chứa đựng hai góc nhìn xưa và nay. Xưa là các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Nay là nghệ thuật tạo hình hiện đại trên những chất liệu: sơn dầu, lụa, màu nước, bột màu, khắc gỗ…

Trâu, bò, lợn, gà là những vật nuôi trong nhà không thể thiếu ở nông thôn, miền núi, tại các gia đình khá giả hay nghèo khó. Sự gắn bó, yêu thương từ hai phía đã khiến bốn con vật trở thành nhân vật chính xuất hiện trong văn học, thơ ca, hội họa, và trong nền văn hóa dân gian.

Bức tranh gà in trên giấy điệp xuất xứ từ dòng tranh Đông Hồ biểu tượng cho sự sung túc, no đủ. Hình ảnh chú gà trống kiêu hãnh gáy vang báo hiệu một ngày mới tươi sáng. Tranh lợn đàn trên lưng có hình vòng xoáy “âm-dương” tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở… Cứ thế, người nghệ nhân xuất thân từ làng Đông Hồ vùng Kinh Bắc, hay làng Kim Hoàng của xứ Đoài xưa, đến người kẻ chợ Hàng Trống của Hà Nội đã thể hiện các vật nuôi trâu, bò, lợn, gà bằng ngôn ngữ mộc mạc, tạo nên những bức tranh dân gian bình dị mà xúc động lòng người. 

Tiếp nối truyền thống của cha ông, những nghệ sĩ hiện đại Việt Nam dù đã chiêm nghiệm khuynh hướng tân kỳ của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn quyến luyến vẻ đẹp giản dị, thân thương từ một hiện thực Việt Nam trải dài nhiều thế kỷ trên những nẻo đường lao động, chăn nuôi, sản xuất.

Những sáng tác của các họa sĩ hiện đại đa dạng về phong cách: Phan Thế Cường, Tô Chiêm, Hà Trí Dũng, Trần Khánh Chương... không chỉ phản ánh vai trò của vật nuôi trong hoạt động sản xuất, sinh kế, mà còn cho thấy mối quan hệ gần gũi, yêu thương giữa con người với vật nuôi. Thời mở cửa Đổi mới, đều là chủ đề trâu, bò nhưng tác phẩm của Lê Anh Vân, Hà Trí Hiếu lại cho thấy tính cách điệu cao trong tạo hình. Các tác phẩm điêu khắc trên chất liệu đá bền vững của Nguyễn Phú Cường, Trần Thiết… đã khẳng định loại hình chiếm lĩnh không gian này vẫn tìm được nguồn cảm hứng từ đề tài vật nuôi gần gũi nhà nông.

Triển lãm Chăn nuôi dưới góc nhìn nghệ thuật giới thiệu 52 hiện vật lựa chọn từ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, gồm tranh dân gian và tranh, tượng hiện đại, được trình bày theo 6 chủ đề: (1) “Giống di truyền”; (2) “Sức khỏe vật nuôi”; (3) “Cây thức ăn chăn nuôi”; (4) “Chăn nuôi và môi trường”; (5) “Chăn nuôi và sinh kế”; (6) “Chăn nuôi và đời sống văn hóa”. Triển lãm mong muốn mang đến cho công chúng những góc nhìn đa chiều về chăn nuôi và vật nuôi, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi Việt Nam phát triển bền vững.